ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, QUẢN TRỊ TRƯỜNG TIỂU HỌC THỊ TRẤN VĂN GIANG

Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dụcvà đào tạo Việt Nam hiện nay, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã có Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 thống nhất chỉ đạo đổi mới giáo dục Việt Nam bằng Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013. Đây là một nghị quyết Trung ương đánh giá khá toàn diện những mặt được và chưa được của giáo dục Việt Nam trong 30 năm đổi mới và quan trọng đã chỉ rõ mục tiêu và các giải pháp để đến những năm 2030 “Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến khu vực”. Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ ra một nội dung hết sức quan trọng: “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng”. Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thong nhằm thực hiện quan điểm giáo dục chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực. Quản lý nhà trường theo tinh thần tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội (quản trị trường học) trở nên bức thiết đối với hiệu trưởng và cán bộ quản lý các trường phổ thong trong cả nước.

Quản trị trường học là cách thức để những người/nhóm người có thẩm quyền hướng dẫn, giám sát các mục tiêu, giá trị của nhà trường thông qua các chính sách, luật lệ, phương pháp và quy trình thực hiện. Cụ thể hơn, quản trị trường học: Là quá trình xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm vận hành và kiểm soát toàn bộ hoạt động của một nhà trường; Là những phương cách để những người có thẩm quyền lãnh đạo hướng dẫn và giám sát các mục tiêu và giá trị của nhà trường thông qua các chính sách và quy trình thực hiện.

Nhà quản trị trường học là người chịu trách nhiệm trước nhà trường, cộng đồng và người học về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý thông qua việc phân chia trách nhiệm, nguồn lực và kiểm soát tính hiệu lực và hiệu quả hoạt động của nhà trường. Hiệu trưởng chính là nhà quản trị , là thuyền trưởng của một chiếc tàu. Con tàu nhà trường có lướt sóng ra khơi đến bến hay không là phải do người thuyền trưởng chèo lái sáng suốt. Muốn vậy, hiệu trưởng phải đổi mới tư duy quản lý (quản trị), phải thực sự có tâm, có tầm, có tài và làm tốt các vấn đề sau:

  • Phải xây dựng kế hoạch chiến lược của nhà trường. Đề ra mục tiêu chiến lược 5 năm, 10 năm và các hoạt động cần đạt được các mục tiêu ấy. Xác định tầm nhìn và sứ mạng của nhà trường.
  • Xây dựng kế hoạch năm học trên cơ sở đã được thảo luận dân chủ từ tổ chuyên môn đến ban giám hiệu. Kế hoạch phải phù hợp với thực tế của nhà trường, địa phương. Kế hoạch là cơ sở pháp lý để hiệu trưởng điều hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
  • Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Ở đó mọi người biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
  • Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trên cơ sở Quy chế hoạt động cơ quan.
  • Thận trọng và lắng nghe ý kiến của mọi người trước khi có quyết định cuối cùng. Nắm bắt thông tin, kiểm soát và xử lí thông tin một cách kịp thời, nhanh nhạy, đúng đắn.
  • Quản lí con người, quản lí công việc một cách khoa học, lấy hiệu quả công việc là thước đo thành tích của mỗi người.
  • Người hiệu trưởng phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm để bứt phá.
  • Xây dựng độingũ đoàn kết, thân ái, đồng thuận và có tinh thần kỉ luật cao. Phát huy dân chủ và luôn truyền ngọn lửa say mê công việc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Sự chủ động trong việc đổi mới công tác quản lý và tổ chức trong nhà trường đã đem lại chất lượng, hiệu quả trong điều hành. Các cá nhân chủ động thực hiện và đảm bảo chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Chính nhờ sự đổi mới trong quản lí nhà trường mà năm học 2018-2019, trường Tiểu học Thị trấn Văn Giang đã được UBND tỉnh Hưng Yên tặng Cờ thi đua, là đơn vị dẫn đầu của khối Tiểu học huyện Văn Giang.

HT. Hoàng Thị Quyên