XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NĂM HỌC – ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÍ NHÀ TRƯỜNG

Như chúng ta đã biết, tính kế hoạch là đặc trưng của quản lý; có kế hoạch là nguyên tắc của quản lý; quản lý bằng kế hoạch là phương pháp chủ đạo của quản lý. Quản lý một hệ thống phức tạp đòi hỏi phải có một kế hoạch được xây dựng từ trước. Xây dựng kế hoạch là sự xác định một cách có căn cứ khoa học những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ (thời hạn, tốc độ, tỉ lệ cân đối) về sự phát triển một quá trình và định ra những phương tiện cơ bản để thực hiện có kết quả những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đó. Nói một cách đơn giản, xây dựng kế hoạch là quyết định trước xem sẽ phải làm cái gì, làm như thế nào, khi nào làm và ai sẽ làm cái đó. Bản kế hoạch (hay còn gọi là kế hoạch) là toàn bộ những điều vạch ra một cách có hệ thống về những công việc dự định làm trong một thời hạn nhất định, với mục tiêu, cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành.

Bất cứ một nhà trường nào, các hoạt động giáo dục – đào tạo đều bị chi phối bởi các yếu tố:

- Nhu cầu của nền kinh tế-xã hội (yêu cầu chung của đất nước và của địa phương, vùng lãnh thổ nơi trường đóng) đối với con người do nhà trường đào tạo về tri thức, tư tưởng, tình cảm, sức khoẻ và những kỹ năng cần thiết. Các nhu cầu này thể hiện trong mục tiêu đào tạo, trong các chỉ thị của cấp trên, trong chỉ tiêu đào tạo, tuyển sinh được giao… Nhu cầu về quyền lợi của các cá nhân và tập thể sư phạm nhà trường.

- Yếu tố nội lực: các điều kiện về con người, tài chính, vật chất, không gian và thời gian để tiến hành giáo dục và đào tạo. Thực trạng chất lượng học sinh ở thời điểm xuất phát.

- Các yếu tố ngoại lực: sự quan tâm của xã hội; sự phát triển kinh tế-xã hội, dân số; mặt bằng dân trí, truyền thống văn hoá ...

Với 3 yếu tố đó người Hiệu trưởng phân tích để xác định một hệ thống các mục tiêu quản lý cụ thể cho một giai đoạn, sau đó xác định các nhiệm vụ, con đường, phương tiện, phân bổ các nguồn lực một cách hợp lý để đạt mục tiêu. Như vậy, bản chất của xây dựng kế hoạch trong nhà trường thể hiện ở hoạt động phân tích để xác định mục tiêu, tìm ra những con đường, những giải pháp để nhà trường ngày càng đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Mục đích của xây dựng kế hoạch là đảm bảo cho sự phát triển của nhà trường theo từng mốc thời gian. Xây dựng kế hoạch cần phải trả lời 4 câu hỏi: - Chúng ta đang ở đâu? - Chúng ta muốn đến đâu? - Chúng ta đến đó bằng cách nào? - Làm thế nào ta biết ta đã tới nơi?

Xây dựng kế hoạch là một chức năng quan trọng hàng đầu của quản lý. Nó là cơ sở của việc thực hiện các chức năng khác của quản lý. Bản kế hoạch là một bản quyết định, nhưng đây quan trọng về sự phát triển của hệ thống, của nhà trường trong một thời gian định trước.

Xây dựng kế hoạch cho phép các nhà quản lý và các cơ quan quản lý tập trung sự chú ý của mình vào các mục tiêu của hệ thống, làm rõ hơn phương hướng hoạt động của hệ thống, của tổ chức trong kỳ kế hoạchNó chỉ ra con đường đi cho cả nhà quản lý lẫn từng thành viên, từ đó họ biết họ phải đóng góp gì để đạt mục tiêu. Nói một cách khác nó tạo điều kiện cho tổ chức và các thành viên của tổ chức đánh giá khả năng của chính mình và phối hợp hoạt động để đạt mục tiêu. Nó là cơ sở phối hợp hành động giữa các cá nhân và đơn vị, là cơ sở thống nhất hành động trong tập thể. Kế hoạch giúp giảm thiểu hoạt động trùng lặp, chồng chéo và dư thừa, tạo khả năng hoạt động và sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả; hình thành mục tiêu làm cơ sở cho việc kiểm tra, đánh giá. Không xây dựng kế hoạch thì không thể kiểm tra, đánh giá được.

Xây dựng kế hoạch cũng chính là phương tiện thực hiện dân chủ hoá giáo dục và dân chủ hoá quản lý nhà trường một cách có hiệu quả. Thông qua việc bàn bạc xây dựng kế hoạch, thu hút trí tuệ của các thành viên, các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, tạo cơ hội lôi kéo mọi người tham gia xây dựng và triển khai những quyết định quan trọng. Từ đó, giúp người quản lý có cái nhìn tổng quan về hệ thống, làm việc chủ động và tự tin hơn.

 Tóm lại, kế hoạch là sản phẩm của hoạt động quản lý, nó là kết quả của quá trình tư duy. Xây dựng kế hoạch là một phương pháp tiếp cận hợp lý để đạt mục tiêu đã định từ trước, hơn nữa đây là phương pháp tiếp cận không tách rời khỏi môi trường. Kế hoạch là công cụ quan trọng của người quản lý, của người hiệu trưởng. Nó thể hiện sự hoạt động có trình độ tổ chức cao, thay thế hoạt động manh mún, thiếu phối hợp, thất thường bằng hoạt động theo các quyết định đã được cân nhắc; thay thế quản lý ứng phó bằng quản lý theo mục tiêu.

Xây dựng kế hoạch là một chức năng quản lý. Bản kế hoạch là một bản quyết định. Bản chất của xây dựng kế hoạch trong nhà trường thể hiện ở hoạt động phân tích để xác định mục tiêu, tìm ra những con đường , những giải pháp để nhà trường ngày càng đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Mục đích của xây dựng kế hoạch là đảm bảo cho sự phát triển của nhà trường theo từng mốc thời gian. Nội dung kế hoạch phải toàn diện, cân đối, nêu được nhiệm vụ trọng tâm, phản ánh mục tiêu quản lý nhà trường, nhiệm vụ quản lý của hiệu trưởng, phải nêu được những nhiệm vụ ưu tiên.

Kế hoạch của nhà trường phải do đích thân hiệu trưởng soạn thảo và ban hành với sự tham gia thảo luận rộng rãi của tập thể nhà trường và các lực lượng giáo dục.. Công tác xây dựng kế hoạch ở nhà trường có các nhiệm vụ sau:

- Xác định mục tiêu ổn định và phát triển nhà trường, các nhiệm vụ cơ bản của nhà trường, của các đơn vị và cá nhân trong trường cần phải hoàn thành trong kỳ kế hoạch.

- Định ra một số biện pháp thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ.

- Chỉ ra các điều kiện mà nhà trường cần và có thể đáp ứng cho các đơn vị và cá nhân trong trường, cũng như cho từng mặt hoạt động. Tìm kiếm và khai thác những tiềm năng của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để đạt mục tiêu một cách nhanh chóng hơn, chắc chắn hơn.

- Dự kiến những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình thực hiện kế hoạch và chuẩn bị những phương án để khắc phục.

- Tạo ra môi trường phối hợp thống nhất, thuận lợi giữa nhà trường và các lực lượng giáo dục, giữa các đơn vị và cá nhân trong trường.

* Kế hoạch năm học. Kế hoạch này đi sâu vào các mặt dạy-học và giáo dục cùng các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với các chủ trương chỉ đạo hằng năm của Bộ. Tuy nhiên, để thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm học, nó cần được cụ thể hoá thành các kế hoạch tháng, tuần; kế hoạch một số hoạt động chính (dạy và học trên lớp; tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; lao động sản xuất – hướng nghiệp; công tác chủ nhiệm ...) và theo phạm vi trách nhiệm, mỗi đơn vị, mỗi cá nhân (kể cả hiệu trưởng) cần phải có kế hoạch của mình. Thực chất đây là sự cụ thể hoá, là sự phân công thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch của nhà trường.

A. Đặc điểm tình hình nhà trường

- Về năm học trước: phân tích, đánh giá các kết quả đạt được và chưa đạt được. Nêu rõ các nguyên nhân của những thành công và thất bại.

- Về năm học mới: nêu rõ tình hình nhà trường đầu năm học về quy mô trường lớp; đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên về các mặt số lượng, chất lượng, cơ cấu so với yêu cầu; học sinh (số lượng, chất lượng, đạo đức …); các điều kiện vật chất; các lực lượng giáo dục (chính quyền địa phương, các ngành, các giới …) cần phối hợp; môi trường xung quanh có ảnh hưởng ...

- Nhận định chung về đặc điểm, tình hình, thuận lợi, khó khăn; mặt mạnh, mặt yếu; thời cơ, thách thức của nhà trường, những vấn đề nhà trường cần quan tâm trong năm học mới.

B. Mục tiêu và nhiệm vụ năm học

1. Mục tiêu: Nêu bật được những kết quả cần đạt được về các hoạt động giáo dục, các điều kiện cần xây dựng …

2. Nhiệm vụ và biện pháp cụ thể

Mỗi nhiệm vụ cụ thể được trình bày gồm hai ý: yêu cầu (chỉ tiêu ), biện pháp.

a. Thực hiện phổ cập giáo dục trong cộng đồng dân cư; phát triển số lượng; duy trì sĩ số, chống lưu, ban bỏ học

-Thực hiện chỉ tiêu, số lượng học sinh.

-Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục.

-Hiệu quả đào tạo.

-Thực hiện quy chế tuyển sinh.

 b. Bảo đảm chất lượng của quá trình giảng dạy-giáo dục; thực hiện mục tiêu kế hoạch đào tạo của nhà trường

- Hoạt động và chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh. (những yêu cầu cần nhấn mạnh, những vấn đề cần phấn đấu để có sự chuyển biến rõ rệt; những biểu hiện tiêu cực về đạo đức, tác phong của học sinh cần hạn chế hay chấm dứt…)

- Hoạt động và chất lượng giảng dạy, học tập các môn văn hoá (trung tạo sự chuyển biến rõ về chất lượng ở những môn nào, mặt nào, khối lớp nào? Tỷ lệ lên lớp, lưu ban …)

- Hoạt động và chất lượng các hoạt động giáo dục khác. Đảm bảo những yêu cầu cơ bản gì đối với học sinh về các mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ lao động. Mức và chỉ tiêu phấn đấu về rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh đối với học sinh từng khối lớp. Những yêu cầu cần chuyển biến về việc khắc phục những thói quen xấu, giảm tỷ lệ học sinh mắc các bệnh phổ biến.

c. Xây dựng tập thể sư phạm vững mạnh

- Phân công, sử dụng đội ngũ, trong đó có đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán.

- Xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, đảm bảo về tư tưởng và trình độ, đồng bộ về cơ cấu.

- Xây dựng phong cách của người giáo viên, tập thể sư phạm.

 - Nâng cao đời sống giáo viên, tạo điều kiện cho đội ngũ yên tâm làm việc.

d. Xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật:

Phòng học, phòng làm việc và phòng chức năng; thiết bị trong phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, tình hình trang bị và sử dụng máy vi tính, việc kết nối mạng internet và khai thác sử dụng; Sân chơi, bãi tập, bể bơi, dụng cụ thể dục thể thao, khu vệ sinh, khu để xe, khu vực bán trú (nếu có).; Diện tích khuôn viên và thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất; Cảnh quan trường học: cổng trường, tường rào, vườn hoa, cây xanh, vệ sinh học đường, công trình cấp thoát nước và môi trường sư phạm.; Kinh phí dành cho hoạt động giảng dạy, giáo dục.

e. Xây dựng môi trường giáo dục thống nhất.

f. Cải tiến quản lý nhà trường

- Xây dựng kế hoạch, kiểm tra nội bộ, thông tin.

- Quản lý giáo viên, nhân viên.

 - Quản lý hành chính, tài chính, tài sản của trường.

- Thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường.

- Công tác tham mưu. Xã hội hoá giáo dục.

- Quản lý và tổ chức giáo dục học sinh.

g. Nhiệm vụ khác

3. Một số chỉ tiêu thi đua (các chỉ tiêu chính)

C. Chương trình công tác: Chương trình công tác hàng tháng được xác định trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp đã xác định ở trên và kế hoạch chỉ đạo của cấp trên trong tháng đó cũng như tình hình thực tế của nhà trường. Hình thức trình bày chương trình công tác có thể như sau: Tháng Trọng tâm Các công việc chính, Bộ phận thực hiện, Bộ phận chuẩn bị điều kiện, Bộ phận kiểm tra Ghi chú (điều chỉnh)

Nội dung kế hoạch năm học phụ thuộc vào các mục tiêu của nhà trường trong năm học đó và các nhiệm vụ để thực hiện các mục tiêu đó. Để xác định nội dung kế hoạch năm học cần căn cứ vào bản chất, nhiệm vụ, các nguyên tắc, phương pháp xây dựng kế hoạch. Có thể thay đổi tiến độ cũng như các bước xây dựng kế hoạch năm học nhưng nó phải đảm bảo thc hiện các nguyên tắc xây dựng kế hoạch.

Trên thực tế nhờ việc xây dựng kế hoạch khoa học, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ cùng với sự quyết tâm thực hiện của tập thể cán bộ giáo viên, học sinh, sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ của Hội cha mẹ HS và Chính quyền địa phương, năm học 2018-2019, trường Tiểu học Thị trấn Văn Giang đã được UBND tỉnh Hưng Yên tặng Cờ thi đua, là đơn vị dẫn đầu của khối Tiểu học huyện Văn Giang.

HT. Hoàng Thị Quyên