MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÍ NHÂN SỰ TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC

Quản lý nhân sự là một lĩnh vực quan trọng của quản lý trong nhà trường.Quản lý các nguồn lực khác sẽ không hiệu quả nếu nhà trường không quản lý tốt nguồn nhân lực. Vì vậy, Hiệu trưởng cần phải nắm vững và thực hiện tốt các chức năng, trách nhiệm cơ bản của người quản lý nhân sự. Mặt khác, người làm công tác quản lý nhân sự cần phải có những kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với công việc này. Tập thể sư phạm trong nhà trường là một tổ chức của tập thể người lao động sư phạm đứng đầu là Hiệu trưởng. Tập thể sư phạm liên kết các cán bộ, giáo viên (giáo viên), nhân viên thành một cộng đồng giáo dục có tổ chức, có mục đích giáo dục thống nhất, có phương thức hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường, của Đảng và Nhà nước. Đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất, là người quyết định đến chất lượng giáo dục trong nhà trường. Lao động sư phạm là lao động có tính đặc thù: đối tượng của lao động sư phạm là con người, là học sinh, thế hệ trẻ. Sản phẩm của lao động sư phạm là nhân cách của học sinh. Công cụ lao động quan trọng nhất của giáo viên là chính nhân cách của bản thân mình. Chính vì vậy người hiệu trưởng cần phải có các biện pháp quản lí nhân sự hiệu quả để nâng cao hiệu suất làm việc của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

1. Hiệu trưởng và các chức năng quản lí nhân sự trong nhà trường

1.1.Chức năng và trách nhiệm chủ yếu của Hiệu trưởng trong quản lý nhân sự

- Lập kế hoạch sử dụng và phát triển nguồn nhân lực.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

- Quản lý duy trì và khuyến khích nguồn nhân lực.

1.2. Các trách nhiệm chủ yếu của Hiệu trưởng

 - Thiết kế và đưa ra các mục tiêu về nguồn nhân lực trong một kế hoạch tổng thể của nhà trường.

- Chỉ rõ sự đóng góp của công tác quản lý nhân sự đối với các mục tiêu của nhà trường.

- Thiết kế và phân tích công việc. Phân công lao động trong nhà trường.

- Đánh giá thực hiện công việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

- Thiết kế, gợi ý và thực hiện các biện pháp, chính sách lao động để nâng cao năng suất lao động, thoả mãn yêu cầu công việc đem lại hiệu quả cao.

- Giúp cho các cán bộ quản lý chức năng khác (khối trưởng, tổ trưởng, trưởng các bộ phận…) nhận thức được trách nhiệm của họ trong việc quản lý nhân sự ở chính bộ phận của mình.

- Cung cấp các công cụ và các phương tiện, trang thiết bị dạy học cần thiết tạo một môi trường làm việc thuận lợi phù hợp với sự phát triển của giáo viên và các lực lượng lao động khác.

- Thiết kế ra các thủ tục cần thiết cho công tác tuyển dụng, lựa chọn, sử dụng và đề bạt, phát triển và trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Đảm bảo rằng các thủ tục này cũng được sử dụng trong đánh giá kết quả công việc.

2. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể (Công Đoàn, thanh niên…) để khuyến khích tính sáng tạo của người lao động.

-Quan tâm đến các lợi ích cá nhân của người lao động, quan tâm đến công tác đào tạo và phát triển, công tác truyền đạt thông tin, phân phối lợi ích cho người lao động, và việc giải quyết các vấn đề tranh chấp của người lao động.

- Giúp cho người lao động hiểu rõ các chính sách quản lý và và nâng cao hiểu biết của người lao động đối với công tác quản lý.

- Giúp đỡ các cá nhân người lao động giải quyết các vấn đề tác động đến tinh thần và hiệu quả làm việc trong nhà trường.

- Nắm bắt kịp thời các qui định của Chính phủ trong việc bảo đảm lợi ích cho người lao động.

3. Phân công, sử dụng nhân sự hợp lí

Phân công, sử dụng nhân sự là công tác tổ chức và công tác cán bộ. Cơ sở pháp lý của công việc này được ghi trong nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng (điều 17 Điều lệ trường phổ thông) đã qui định: Hiệu trưởng trường phổ thông có quyền tổ chức bộ máy của nhà trường, phân công công tác cho giáo viên, nhân viên, chỉ định tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp…

Một số nguyên tắc cơ bản khi phân công:

- Hiệu trưởng cần nắm vững đường lối, chế độ chính sách đối với cán bộ, thực trạng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc phân công.

- Đảm bảo tính khoa học, phân công theo đúng chuyên môn được đào tạo.

- Đảm bảo tính vừa sức, đồng đều, công bằng.

- Việc phân công phải xuất phát từ yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục và quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

- Có chiến lược xây dựng đội ngũ về số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp và có tính ổn định tương đối.

- Tin tưởng vào khả năng vươn lên của mỗi người, tránh định kiến thành kiến.

- Đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, có qui trình phù hợp

4. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dưới nhiều hình thức

Đối với nhà trường đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng đội ngũ giáo viên, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt. Chúng ta đặc biệt chú trọng đến hoạt động bồi dưỡng của nhà trường vì vai trò, ý nghĩa lớn lao của công tác này:

-Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mang tính chiến lược, đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài để xây dựng một đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu và có chất lượng cao, phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài của nhà trường. Mặt khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn mang tính cấp bách bởi nhà trường phải thực hiện ngay những yêu cầu của năm học, những chỉ đạo của ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới chương trình, SGK, phương pháp dạy học…

-Công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ đẩy mạnh sự phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ của tất cả giáo viên, nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học trong nhà trường.

- Tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi khi làm việc với chương trình mới, có thái độ tích cực và thích ứng với những thay đổi nhanh và thách thức của thời đại.

- Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú đặc biệt là hình thức bồi dưỡng tại cơ sở, tại trường góp phần xây dựng tinh thần cộng tác, làm việc theo tổ, nhóm trong nhà trường.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ khuyến khích giáo viên làm việc chăm chỉ, tích cực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

- Khi tham gia bồi dưỡng thường xuyên sẽ góp phần nâng cao ý thức, phương pháp, kỹ năng, thói quen tự học của giáo viên.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn giúp giáo viên có cảm nhận, tự đánh giá tốt hơn khi họ hoàn thành công việc và có sự tiến bộ trong công tác.

Trước những yêu cầu mới đối với người giáo viên như trên, chúng ta thấy nội dung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giáo viên rất phong phú, đa dạng. Nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau cần được trang bị để nâng cao trình độ người giáo viên về mọi mặt. Vì vậy những nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng là:

- Đào tạo, bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng, đạo đức lối sống.

- Đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức pháp luật.

- Đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức vể quản lý.

- Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn - nghiệp vụ: bồi dưỡng theo chu kỳ thường xuyên, bồi dưỡng chuẩn hóa, trên chuẩn, bồi dưỡng thay sách, bồi dưỡng chuyên đề nâng cao, đổi mới phương pháp dạy học, những kiến thức tâm lý học, giáo dục học… - Đào tạo, bồi dưỡng về văn hoá, ngoại ngữ, tin học.

- Đào tạo, bồi dưỡng sức khỏe, thể dục thể thao, văn nghệ…

5. Đánh giá giáo viên, nhân viên thông qua hiệu quả công việc

Đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm cung cấp thông tin phản hồi cho họ về mức độ thực hiện công việc của họ so với yêu cầu và so với người khác. Giúp giáo viên, nhân viên điều chỉnh, sửa chữa các thiếu sót trong quá trình làm việc, đồng thời kích thích động viên, tạo động lực làm việc cho họ. Đánh giá năng lực thực hiện công việc sẽ giúp nhà trường có cơ sở để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, nâng lương, đề bạt, thuyên chuyển, cải tiến cơ cấu tổ chức…Thông qua đánh giá năng lực làm việc, hiệu trưởng có thể điều chỉnh việc phân công cán bộ,giáo viên, nhân viên, phát hiện và làm bộc lộ những tiềm năng trong họ, giúp họ phát triển toàn diện. Đánh giá hiệu quả làm việc còn giúp nhà quản lý nhận được thông tin phản hồi của cán bộ, giáo viên, nhân viên về phương pháp quản lý, các chế độ, chính sách của nhà trường, tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa cấp trên và cấp dưới.

Nội dung đánh giá toàn diện cán bộ, giáo viên, nhân viên gồm những yếu tố cơ bản như:

- Phẩm chất đạo đức.

- Hoạt động giảng dạy.

- Thực hiện qui chế chuyên môn

- Hoạt động tự bồi dưỡng.

 - Các hoạt động khác.

Xu hướng mới trong đánh giá hiệu quả làm việc của giáo viên, nhân viên cho thấy thực chất của cách tiếp cận này không phải loại bỏ đánh giá hiệu quả làm việc: việc đánh giá mới không tập trung nhiều vào việc xếp loại giáo viên, nhân viên mà tập trung vào các biện pháp phát triển giáo viên, nhân viên giúp họ nâng cao hiệu quả làm việc tốt hơn.

HT. Hoàng Thị Quyên