Bài giảng tuyên truyền về phòng chống mua bán người.

BÀI GIẢNG TUYÊN TRUYỀN

VỀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

 

                   Giảng viên: Trung tá Nguyễn Xuân Trưởng, Đội trưởng PC02

 

A- THỰC TRẠNG TỘI PHẠM XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG

I. Thực trạng tình hình tội phạm xâm trẻ em

1. Xâm hại trẻ em là gì?

Xâm hại trẻ em là bất kỳ hành động nào có chủ ý và làm tổn thương hoặc gây nguy hại đến trẻ.

Có 4 hình thức xâm hại trẻ em: Thể chất, Tình dục, Tinh thần, Xao nhãng. Xâm hại trẻ em là vấn đề toàn cầu, xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới và có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào. Xâm hại trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể xác, tâm lý, tinh thần đối với nạn nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Khái niệm “trẻ em” được nêu trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Theo Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 05/4/2016, “trẻ em” được quy định là người dưới 16 tuổi.

Còn Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam thì đưa ra khái niệm: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.

Về mặt sinh học, trẻ em là con người ở giữa giai đoạn từ khi sinh ra và tuổi dậy thì. Định nghĩa pháp lý về một "trẻ em" nói chung chỉ tới một đứa trẻ, còn được biết tới một người chưa tới tuổi trưởng thành

Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau nhưng có thể hiểu đơn giản, trẻ em là người trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt nhận thức sinh lý và tâm lý, dễ bị tổn thương do các tác động tiêu cực từ môi trường xã hội.

Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em… Tuy nhiên, hiện nay, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối, hậu quả mà các em phải gánh chịu là những tổn thất về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm ảnh hưởng đến học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể gây tâm lý, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách con người. Nhằm hạn chế đến mức tối đa hậu quả của loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần có cách nhìn toàn diện về loại tội phạm này để từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018 trong toàn quốc xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em (trong đó: Giết trẻ em: 51 em; Hiếp dâm trẻ em: 438 em; Cưỡng dâm trẻ em: 6 em; Giao cấu với trẻ em:  608 em; Dâm ô với trẻ em: 241 em; cố ý gây thương tích đối với trẻ em: 205 em; Mua bán trẻ em : 24 em ; Tội phạm khác xâm hại 252 em)

Theo thống kê của Công an tỉnh Hưng Yên, từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2019, tổng số trẻ em bị xâm hại trong toàn tỉnh là: 37 vụ/58 em. Trong đó:

+ Số trẻ em nữ là: 42;

+ Số trẻ em nam là: 16.

- Phân loại theo hình thức bị xâm hại (quy định tại Điều 4 và các điều khác của Luật trẻ em) gồm:

+ Bạo lực: 27 nạn nhân (Giết trẻ em: 01 em; Chiếm đoạt trẻ em: 01 em; Cướp tài sản: 02 em; Cướp giật tài sản: 01 em; Cố ý gây thương tích: 14 em; Bạo lực khác: 08 em).

+ Xâm hại tình dục: 31 nạn nhân (Hiếp dâm trẻ em: 14 em; Giao cấu với trẻ em: 11 em; Dâm ô trẻ em: 7 em)

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong khi 9 tháng đầu năm năm 2018 xảy ra 01 vụ.

2. Đối tượng, phương thức, thủ đoạn, tính chất, mức độ của hành vi xâm hại trẻ em

- Số đối tượng thực hiện hành vi xâm hại : 55.

 Trong đó:

+ Số đối tượng là người ruột thịt, người thân thích: 5 (Chiếm tỷ lệ 9%)

(Ví dụ: Vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi, xảy ra ngày 30/6/2019 tại xã Dị Chế- Tiên Lữ, bố đẻ đã hiếp con gái 6 tuổi) 

+ Số đối tượng người quen của trẻ em: 21 (Chiếm tỷ lệ 38,2%); 

Ví dụ: Khoảng 10h ngày 09/3/2019, đối tượng Trần. Văn. V, SN 1981, HKTT: xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ đã vào phòng ngủ của cháu T. T. M. H, sinh năm 2009, ở cùng xã để khống chế cháu H nhằm mục đích quan hệ tình dục, nhưng chưa thực hiện được hành vi thì bị ông nội cháu phát hiện, ngăn cản.

Ngày 13/3/2019, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Tiên Lữ đã ra quyết định Khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với V về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Hiện, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh đang điều tra theo quy định của pháp luật.

+ Số đối tượng khác: 29 (chiếm tỷ lệ 52,8%).

- Địa bàn xảy ra hành vi xâm hại trẻ em:

+ Xảy ra tại nhà nạn nhân: 20 (chiếm 54%) 

+ Xảy ra nơi công cộng:15 (chiếm 40,6%)     

+ Xảy ra tại nhà đối tượng: 2 (chiếm 5,4%)

- Phương thức, thủ đoạn xâm hại mà đối tượng thường sử dụng

 +Phần lớn trẻ em bị xâm hại bởi những người quen biết với các thành viên trong gia đình; các đối tượng thường lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình... để dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.

Ví dụ: Khoảng 16 giờ ngày 04/3/2017, Cao. Văn.Th, SN 1973 ở thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hư­ng Yên sang nhà chị L ở cùng thôn chơi, lợi dụng chị L vắng nhà, T đã thực hiện hành vi giao cấu với cháu P. T. H. L, 12 tuổi (Là con gái chị L). Sau khi giao cấu xong, Thanh cho cháu L số tiền 3.000 đồng (Ba nghìn đồng) và bỏ đi. Ngay sau đó chị L đã làm đơn trình báo sự việc với Công an huyện Văn Giang.

Căn cứ vào các tài liệu điều tra thu thập đ­ược ngày 13/3/2017 Cơ quan CSĐT- Công an huyện Văn Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can; đồng thời, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Cao. Văn.Th về tội Hiếp dâm trẻ em và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên điều tra theo thẩm quyền. Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Th 14 năm 6 tháng tù giam.             

+ Các đối tượng thường lợi dụng trẻ em ở nhà một mình, sự thiếu hiểu biết về giới tính và khả năng phòng vệ yếu của các bé gái để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em hoặc thuyết phục, đe dọa, ép buộc trẻ không tiết lộ, nói với ai về việc bị xâm hại và đối tượng xâm hại.

Ví dụ: Khoảng 16 giờ 45 phút, ngày 02/5/2018, Trần. Văn. P, sinh năm 1980, nơi cư trú: Thôn Lôi Xá, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương điều khiển xe ô tô đến nhà anh V ở Thôn Khúc, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên mục đích để trộm cắp tài sản thì thấy cháu L. T. M. A, sinh năm 2009 (là con gái anh V) đang nằm trên giường trong phòng khách xem tivi. Phương đã có hành vi dâm ô đối với cháu M.A. Sau đó, Phương tiếp tục điều khiển xe ô tô đến nhà chị L.T.N, cũng ở xã Phụng Công thì thấy cháu  M. N, sinh năm 2004 (là con gái chị T.N) đang ngồi học bài, P đã có hành vi dâm ô đối với cháu M. N. Sau đó, Phương điều khiển xe ô tô quay lại nhà anh V và tiếp tục có hành vi dâm ô đối với cháu L. T. M. A, thì bị quần chúng nhân dân phát hiện bắt giữ.

Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với T. V. P về tội Trộm cắp tài sản và Dâm ô trẻ em. Tòa án nhân dân huyện văn Giang đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt P 6 năm 3 tháng tù.

+ Qua công cụ mạng Internet, các đối tượng làm quen với trẻ qua các trang mạng xã hội mà trẻ không rõ nhân thân của các đối tượng kết bạn, lợi dụng điều đó cộng thêm sự thiếu hiểu biết, suy nghĩ non nớt của trẻ em các đối tượng tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em.

Ví dụ: Dương Đình T, sinh ngày 10/3/1997 ở thôn Tam Trạch, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ làm quen cháu Nguyễn Quỳnh D, sinh ngày 27/9/2002, là học sinh của một trường THCS ở Yên Mỹ qua Facebook. Ngày 31/8/2015, T đến cổng trường đón D rồi chở đến nhà chị gái ở thôn Liêu Trung,  xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ chơi, sau đó T đã quan hệ tình dục với cháu D. Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Mỹ đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự, Khởi tố bị can đối với T về tội Hiếp dâm trẻ em và đã bàn giao hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra theo thẩm quyền. Quá trình xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Dương Đình T 12 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em.

Nắm và biết các thủ đoạn đó để chúng ta phòng ngừa và tuyên truyền để người thân chúng ta phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra

- Tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại:

Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, các trẻ bị xâm hại dễ gây những tổn thương về về sức khoẻ thể chất và tinh thần, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hoà nhập với xã hội. Việc bị xâm hại tình dục trong khi các đặc điểm sinh học, thể chất chưa hoàn thiện có thể gây ra những tổn thương nặng nề tại bộ phận sinh dục hoặc có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn, gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi  hoặc  có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau.

3. Tác động, hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em      

- Tác động, hậu quả đối với trẻ em:

+ Số trẻ em tử vong do bị xâm hại: 1 (Vụ án Giết người, xảy ra năm 2016 tại Mỹ Hào)                     

+ Số trẻ em bị rối loạn tâm thần do bị xâm hại: 1;    

+ Số trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục: 2 (Vụ H.V.T, SN 200 ở Quán Trạch- Liên Nghĩa- Văn Giang có hành vi giao cấu làm cháu C.T.H ở Khoái Châu làm cháu H có thai).

+ Số trẻ em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại: 54.

- Tác động đối với xã hội:

Các dạng hành vi trên không chỉ gây ra tác động, tổn hại đối với trẻ em mà còn ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn, làm suy giảm các nền tảng đạo đức xã hội và gây hoang mang, lo sợ, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

4. Đánh giá về tình hình xâm hại trẻ em

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội; đáng chú ý, có nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội khi đang trong lứa tuổi vị thành niên; đối tượng có quan hệ huyết thống với bị hại. Có những vụ việc, đối tượng và người bị hại có tình cảm yêu đương, đồng thuận khi quan hệ mà chưa nhận thức rõ hành vi của mình là phạm tội; một số vụ việc khi người dân phát hiện đã bức xúc, gây thương tích cho đối tượng, quay clip đưa lên mạng xã hội, báo chí phản ánh, đưa tin, gây dư luận xấu, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.

5. Nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em.

- Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ trẻ em, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, của người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Cụ thể, nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác tội phạm. Cha mẹ của các em cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội; thậm chí còn chấp nhận thỏa hiệp đền bù hoặc tổ chức đám cưới, thành nạn tảo hôn, nhất là ở các vùng nông thôn. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.

- Những khó khăn, thách thức khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường và ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào các quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Một bộ phận các gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống cho việc nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Ở khía cạnh khác, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Những khó khăn về kinh tế, xã hội cũng dẫn đến gia tăng áp lực tâm lý trong đời sống gia đình và xã hội, gây ra các sang chấn tâm lý và hành vi “lệch chuẩn” ở trẻ em và người lớn.

Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại như sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính bạo lực, khiêu dâm… Bên cạnh đó, việc tạo cho trẻ em một môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

- Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống. mặc dù, đã có quy định về quy trình, trách nhiệm, thẩm quyền đánh giá nguy cơ và quản lý trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thiếu quy định cụ thể về đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em; chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em; thiếu hệ thống theo dõi để đảm bảo những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực, xâm hại tình dục.

- Hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở sơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Vai trò của cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên công tác xã hội làm việc về trẻ em chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của Nhà nước để bảo đảm quyền hạn pháp lý khi thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo các điều kiện thực hiện quy trình phát hiện, can thiệp sớm, tư vấn, phục hồi tích cực cho mọi trẻ em và tái hòa nhập cho các nạn nhân là trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

II. CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT BẢO VỆ TRẺ EM

Có thể nói, hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em của Đản, Nhà nước ta là khá đầy đủ, chỉ là việc triển khai, nắm bắt, vận dụng trong thực tiễn đời sống của người dân đến đâu thôi.

Với trách nhiệm của lực lượng Công an: Để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, trong những năm qua Công an tỉnh Hưng Yên đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành đoàn thể tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em 2016; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tưng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chng bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 và Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tưng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2012-2020; Quyết định s 2546/QĐ-TTg phê duyt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2468/QĐ-BCA-C41 ngày 28/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Dự án 4 “Đấu tranh phòng, chng tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chng bạo lực gia đình, mua bán người” giai đoạn 2018-2020... lồng ghép việc thực hiện các văn bản này với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Tăng cường chỉ đạo triển khai Kiến nghị số 1887/KN-UBTP14 ngày 02/5/2019 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; Chương trình phối hợp số 11/CTPH-TWHLHPN-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/02/2019 giữa Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em đến năm 2022 của Bộ Công an đến các Sở, ban, ngành, công an các huyện, thành phố, thị xã…

Nhận diện loại tội phạm và các hình thức thực hiện tội phạm xâm hại trẻ em là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa chung. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rất nhiều điều luật cụ thể có hình phạt nghiêm khắc để xử lý tội phạm xâm hại trẻ em như:

Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất loạn luân;

b) Làm nạn nhân có thai;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Đối với 02 người trở lên;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Nhiều người hiếp một người;

c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tính chất loạn luân;

b) Làm nạn nhân có thai;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Nhiều người cưỡng dâm một người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Có tính chất loạn luân;

d) Làm nạn nhân có thai;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Có mục đích thương mại;

e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;

c) Đối với từ 02 người đến 05 người;

d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Vì động cơ đê hèn;

h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 06 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 152. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

1. Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổinày với người dưới 01 tuổikhác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người dưới 01 tuổimà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Phạm tội 02 lần trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đối với 06 người trở lên;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài những tội phạm cụ thể nêu trên nếu người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em mà dẫn đến hậu quả làm trẻ em bị chết  hoặc bị thương tích thì còn bị xử lý thêm về Tội giết người theo Điều 123 hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo  Điều 134 Bộ luật hình sự.

III. MỘT SỐ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ EM BỊ XÂM HẠI, ĐẶC BIỆT LÀ XÂM HẠI TÌNH DỤC VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

1. Một số dấu hiệu nhận biết:

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, có những dấu hiệu sau đây có thể giúp chúng ta nhận biết việc trẻ em bị xâm hại:

 1.1. Dấu hiệu về thể chất:

- Có vết bầm xước, thâm tím, chảy máu, sưng đau liên quan bộ phận sinh dục (do hệ cơ, da của các em còn non nên dễ để lại dấu vết này); bộ phận sinh dục như âm đạo, dương vật bị chảy máy, tiết dịch, đau, xưng hoặc ngứa khi tiểu tiện đau buốt hoặc viêm đường tiết niệu. Đứng ngồi, đi lại thường khó khăn, quần áo bị rách, nhàu bẩn.

- Có thể có vết máu, tinh dịch, lông tóc bám vào quần áo của nạn nhân hoặc của đối tượng; có những vật lạ, dấu vết lạ trong âm đạo hay hậu môn, kể cả trong khoang miệng (Đối với nhưng loại dấu vết này, đề nghị giữ nguyên hiện trạng và báo cho cơ quan chức năng thu lượm, bảo quản để phục vụ công tác điều tra).

- Có biểu hiện nhiễm khuẩn, mùi hôi đường tiết niệu tái diên, không tự chủ được trong đại và tiểu tiện.

- Có dấu hiệu nhiễm bệnh lây qua đường sinh dục như: Sùi mào gà, giang mai…

1.2. Về trạng thái tinh thần và tính tình

Có biểu hiện rối loạn hành vi, diễn biến tâm lý bất thường như:

- Lo lắng, căng thẳng, sợ sệt, sợ ở một mình, hay giật mình, hoảng loạn khi ngủ.

- Không dám nhìn thẳng vào người đối diện, mất bình tĩnh, thiếu tự tin.

- Tỏ ra khó chịu và không muốn tiếp xúc, hòa đồng với người khác.

- Tính tình thay đổi đột ngột, muốn tìm hiểu về các chủ đề tình dục, tỏ ra hoang mang về khả năng mang thai sau khi bị xâm hại tình dục, tắm lâu, tắm nhiều.

- Rối loạn giấc ngủ, chán ăn, xấu hổ, mặc cảm cho rằng mình có lỗi, có ý định hoặc dọa tự tử, tự hành hạ bản thân.

- Rối loạn về ứng xử và khả năng tiếp thu, kết quả học tập giảm sút.

2. Một số biện biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em.

Hiện nay các cha mẹ rất ít trang bị các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em cho con mình, để từ đó con trẻ biết được điều gì quan trọng trên cơ thể của mình và không ai được phép đụng vào những khu vực cấm, cũng như giúp trẻ hiểu được độ nguy hiểm của những đối tượng lạ đang tiếp cận với mình…

Từ số liệu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của Công an tỉnh Hưng Yên tôi vừa nêu trên cũng như trên các phương tiện truyền thông đưa thông tin về các vụ xâm hại trẻ em cho thấy tính chất của các vụ xâm hại trẻ em hiện nay là rất nghiêm trọng. Cha mẹ phải cần phải luôn quan tâm đặc biệt đến con để có những biện pháp tốt nhất. Chính cha mẹ hầu như đôi lúc khá thờ thơ với sự an nguy của con mình nên mới xảy ra những điều đáng tiếc. Và hầu hết các bé ít được trang bị các biện pháp phòng chống xâm hại thân thể để tự bảo vệ, cảnh giác cho mình nên không thể phản ứng kịp với những kẻ có ý đồ xấu xa. Nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề tiếc nuối ở trên cũng chính là do trẻ chưa được trang bị những kĩ năng tự phòng vệ, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ dễ lơ là hay thờ ơ với an nguy của con ngoài đường. Các bé cần phải biết những kiến thức và kĩ năng này để khi an nguy có thể nhanh chóng thông báo cho người lớn (cha mẹ) hoặc tự ứng biến khi cảm thấy nguy hiểm có khả năng xảy ra, ít nhất cũng phần nào hạn chế được vấn đề đáng tiếc xảy ra.

Tôi xin giới thiệu một số biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em để các bậc cha mẹ áp dụng trước khi quá muộn.

1. Dạy trẻ ranh giới tiếp xúc cơ thể nguy hiểm

Dạy trẻ em đâu là ranh giới tiếp xúc cơ thể. Không cho ai chạm vào vùng kín của mình cũng như không chạm vào vùng kín của bất cứ ai. Cần phải ghi nhớ cả 2 trường hợp này vì nhiều bậc phụ huynh bỏ quên trường hợp thứ 2 và không ngờ rằng đây mới là điều kẻ lạm dụng xúi giục con làm đầu tiên.

2. Khuyến khích trẻ kể về hoạt động hàng ngày của chúng

Sẽ là quá khó với trẻ để nhận ra đâu là tình huống nguy hiểm và cần phải tránh xa. Thay vào đó, hãy thường xuyên tâm sự với trẻ về những hoạt dộng hàng ngày của con. Tạo thói quen giúp trẻ có thể thoải mái chia sẻ bất kỳ chủ đề nào với bố mẹ. Nếu nhận thấy hành vi không được chấp nhận hoặc hành vi đáng ngờ qua lời kể của trẻ, bạn có trách nhiệm phải xử lý các hành vi đó.

3. Dạy trẻ về các bộ phận cơ thể

Nhiều bé bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng do quá non nớt. Cha mẹ cần phải sớm dạy cho trẻ về các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả vùng kín của con. Việc này nên được thực hiện từ sớm, khi trẻ khoảng 3 tuổi cho tới khi lớn. Với mỗi độ tuổi, cả cha mẹ và nhà trường cần có cách thức cũng như mức độ dạy sao cho phù hợp. Ví dụ như những trẻ còn nhỏ, không cần phải giải thích kỹ mà chỉ dạy trẻ nhớ kỹ tên các bộ phận cơ thể, với những trẻ lớn hơn bắt đầu dạy trẻ nhiều hơn về các bộ phận trên cơ thể, nơi nào nhạy cảm không ai được nhìn hay sờ vào,…

Hãy hướng dẫn con như là:

Nếu ai đó cố ý động chạm con bằng được và con không thích điều đó, hãy xử lý nhanh nhất bằng cách bỏ chạ”

Hoặc “Nếu cảm thấy sự nguy hiểm lớn hơn thì con vừa bỏ chạy ngay vừa la lớn, nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh khi không có người thân bên cạnh“.

Để giúp con có kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em tốt nhất, các bậc cha mẹ hãy nên dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể của mình ngay từ khi trẻ nghe nhận thức được ngôn ngữ để đủ hiểu.

  1. Kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm

Trẻ em thường ngại khi từ chối người khác, đặc biệt là bạn hơn tuổi hoặc người lớn vì sợ hay e ngại bị ghét, bị cô lập và dễ hoảng sợ khi bị dọa nạt…Cần phải dạy trẻ những kỹ năng từ chối người khác, kỹ năng thoát khỏi các tình huống nguy hiểm. Ở nhà, cha mẹ có thể dạy con bằng cách đưa ra các tình huống và hỏi con sẽ xử lý thế nào nếu gặp phải, hướng dẫn con cách xử lý tốt nhất. Ở trường học hiện nay cũng đã tổ chức các buổi chia sẻ, tọa đàm về vấn đề này để trẻ có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia và được hướng dẫn cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm.

5. Dạy trẻ cách nói chuyện với bố mẹ, người thân khi bị xâm hại

Trẻ em biết rõ thủ phạm xâm hại mình là ai. Nhưng vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Nói với trẻ rằng con sẽ không gặp phải bất kỳ rắc rối gì nói chuyện với bạn, và hãy làm theo lời hứa này, tránh trừng phạt vì những điều con lên tiếng. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Một điều rất hiệu quả trong việc để con thông báo tình huống của mình chính là tạo ra ám hiệu riêng giữa mình và trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ em cảm thấy an tâm hơn khi đối tượng là những người thân thuộc và thường xuất hiện ở nhà của trẻ.

Ngoài việc để trẻ nói ra khi bị xâm hại, cha mẹ nên chú ý đến biểu hiện của trẻ, ví dụ như đột nhiên hoảng sợ khi ai đó chạm vào người, không thích tiếp xúc hay tránh xa những người mà trước đây bé rất quý mến,…chú ý đến hành vi sẽ giúp bố mẹ và nhà trường nhanh chóng phát hiện ra tình huống mà trẻ gặp phải.

6. Nói cho trẻ biết nguy hiểm có thể đến từ những người quen biết

Nói với trẻ rằng nguy hiểm có thể đến từ bất kỳ đâu: Hàng xóm, người thân, trường học,… Những người bé yêu quý và tin tưởng. Người Việt thường có thói quen cấu, véo hay sờ những vùng nhạy cảm của trẻ và cho đó chỉ là một hành động bình thường, thể hiện tình yêu thương. Tuy nhiên, đó là một dạng xâm hại trẻ em và có thể khiến trẻ tưởng lầm đó là cách thể hiện tình yêu thương và không nhận ra sự nguy hiểm. Cha mẹ cần kiểm soát ngay những hàng động đó và dặn con thông báo nếu có bất kỳ ai thực hiện động chạm như vậy.

Nếu xảy ra sự việc xâm hại trẻ em, cần báo ngay cho chính quyền địa phương, công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự việc hoặc thông tin về đường dây nóng 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em) hoặc số điện thoại 02213.518.569 của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên để kịp thời xử lý, giải quyết.

Khi các cơ quan bảo vệ pháp luật, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội cùng chung tay thực hiện các giải pháp, hy vọng trong tương lai, nguy cơ trẻ em bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục chắc chắn sẽ được kiềm chế và ngăn chặn./.