TUYÊN TRUYỀN
Công tác phòng, chống mua bán người
I. Thực trạng tình hình tội phạm mua bán người.
Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên Thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức, trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
- Theo thống kê trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc phát hiện 300 vụ mua bán người, 418 đối tượng, 555 nạn nhân.
Nổi lên hiện nay là: Tội phạm lợi dụng lượng người đi lại, buôn bán hàng hóa khu vực biên giới tăng mạnh, nhất là biên giới Việt - Trung để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao dộng thời vụ sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ...; Đặc biệt thời gian gần đây xảy ra tình trạng dụ dỗ một số phụ nữ đang mang thai ra nước ngoài để bán thai nhi và tình trạng mua bán nội tạng. Các đối tượng trong nước câu kết với đối tượng nước ngoài sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để điều nạn nhân đến khu vực biên giới và lừa đưa ra nước ngoài bán.
Các đối tượng người Việt Nam (trong đó, có người trước đây từng là nạn nhân) móc nối, cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc sống, quen thuộc địa bàn biên giới đã lừa, dụ dỗ các nạn nhân (kể cả người thân trong gia đình) đưa sang Trung Quốc bán; Phát hiện nhiều phụ nữ mang thai đưa sang Trung Quốc đẻ thuê hoặc mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người. Trong 6 tháng đầu năm 2019, theo thống kê của Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước, các địa phương phát hiện xảy ra nhiều vụ mua bán người là: Công an tỉnh Nghệ An phát hiện 05 vụ, bắt 11 đối tượng, trong đó, điển hình: bắt 02 đối tượng gồm: Ngân Thị Đua (SN 1988); Vi Thị Hoài Thanh (SN 1980, cùng trú tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) để điều tra về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi; Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, khám phá 01 vụ, bắt 02 đối tượng điều tra hành vi giả nhận nuôi trẻ sơ sinh để bán sang Trung Quốc; Công an tỉnh Sơn La điều tra, khám phá 01 vụ, bắt 02 đối tượng, lừa bán 01 phụ nữ; Công an tỉnh Bắc Kạn điều tra, khám phá 01 vụ, bắt 02 đối tượng, lừa bán 01 nạn nhân. Đặc biệt Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia do đối tượng Tôn Nữ Thị Huyền (44 tuổi, TP.HCM) cầm đầu, cùng 4 đồng phạm gồm Hoàng Đức Tùng (28 tuổi, quê Hà Nội), Huỳnh Linh Tâm (27 tuổi, quê Quảng Ngãi), Phạm Quang Cảnh (23 tuổi, quê Hà Nội), Nguyên Minh Tâm (20 tuổi, quê Vĩnh Phúc). Đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia hoạt động từ tháng 5/2017. Đến 21/1/2019, khi lực lượng chức năng bắt giữ, đường dây này đã thực hiện bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là của lực lượng Công an nên tình tình hình hoạt động tội phạm mua bán người đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Qua theo dõi, thống kê từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu tội phạm mua bán người, cũng chưa tiếp nhận, giải cứu nạn nhân nào bị mua bán. Tuy nhiên, qua rà soát nắm tình hình, đến năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 241 phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc có đăng ký kết hôn, hiện đang sinh sống tại Trung Quốc và 761 phụ nữ tự nguyện sang Trung Quốc, lấy chồng, không làm thủ tục kết hôn (kết hôn bất hợp pháp).
Có thể nói, mua bán người ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói riêng đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm sâu sắc. Đây là một dạng tệ nạn gây hậu quả ở nhiều mức độ, tác động xấu đến việc đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Nghiêm trọng hơn mua bán người đã xâm phạm đến quyền con người, danh dự nhân phẩm tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trong thời gian qua, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là nạn mua bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.
Đối tượng phạm tội:
- Chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người, các đối tượng cấu kết hình thành những đường dây khép kín để lôi kéo, móc nối, lừa gạt, cưỡng ép những người nhẹ dạ, mất cảnh giác rồi đưa ra nước ngoài bán;
- Đối tượng người Trung Quốc thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người sang Trung Quốc và xuyên quốc gia. Các đối tượng tạo dựng nhiều vụ xem mặt chọn vợ hoặc tổ chức kết hôn giả để lừa bán sang Trung Quốc;
- Một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người Trung Quốc khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình;
Nạn nhân: Thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vừng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới giáp Trung Quốc, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin; hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người Trung Quốc khá giả, dẫn đến bị lừa bán.
Nguyên nhân cơ bản là: Do tình hình mua bán người trên thế giới, khu vực tác động, do siêu lợi nhuận, do mất cân bằng về giới, công nghệ thông tin phát triển; tình trạng thiếu việc làm, cùng với sự thiếu hiểu biết, chủ quan, nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác của người dân nên bị lừa bán, nhất là phụ nữ, trẻ em. Mặt khác, chính sách pháp luật, ngoại ngữ là rào cản cho các lực lượng thực thi công tác này.
II. Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và một số công tác triển khai phòng, chống mua bán người của Công an tỉnh Hưng Yên:
Trước tiên để hiểu rõ về mua bán người chúng ta cần hiểu khái niệm mua bán người như thế nào. Hiện khái niệm về mua bán người được pháp luật Việt Nam định nghĩa là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện một trong các hành vi nêu trên.
Ngày 29-3-2011, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2012. Luật có các quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.
Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ các hành vi, bổ sung các tình tiết định khung,… về tội mua bán người, tạo tiền đề pháp lý cho các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh đối với các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.
Cụ thể đối với tội danh mua bán người, được quy định tại Điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt tù từ 5 năm đến 10 năm và phạt tù đến 12 năm đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi; phạm tội trong các trường hợp có tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, để đưa ra nước ngoài hoặc làm nạn nhân chết hoặc tự sát,… thì hình phạt có thể lên đến 20 năm tù đối với tội mua bán người và 20 năm tù hoặc tù chung thân đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Điều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài các tội danh về mua bán người nêu trên, Bộ luật hình sự còn quy định các hình phạt nghiêm khắc đối với các tội danh xâm phạm quyền con người, cụ thể:
Điều 152. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi
1. Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi này với người dưới 01 tuổi khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người dưới 01 tuổimà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đồng thời, ngày 11/01/2019 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự . Trong đó hướng dẫn chi tiết:
Chương I. NHỮNG HƯỚNG DẪN CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.
Điều 2. Về một số tình tiết định tội
1. Mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a) Chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
c) Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
d) Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
đ) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người theo hướng dẫn tại điểm a và điểm c khoản này.
2. Mua bán người dưới 16 tuổi là thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a) Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
c) Chuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
d) Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
đ) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người theo hướng dẫn tại điểm a và điểm c khoản này.
3. Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 150 của Bộ luật Hình sự là các thủ đoạn như: bắt cóc; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; đầu độc nạn nhân; lợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng tình thế bị lệ thuộc; lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân (ví dụ: lợi dụng tình trạng nạn nhân có người thân bị bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa trị ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng) để thực hiện một trong các hành vi hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.
4. Để bóc lột tình dục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân nhằm chuyển giao cho người khác để thực hiện các hoạt động bóc lột tình dục (như tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục...) hoặc tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình.
5. Để cưỡng bức lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ.
6. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân để chuyển giao nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Bộ phận cơ thể là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của con người.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã chuyển giao Nguyễn Thị C cho Nguyễn Văn B để B lấy giác mạc của C (trên thực tế B chưa có hành vi lấy giác mạc của C).
7. Vì mục đích vô nhân đạo khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác.
Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt
1. Có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 150 và điểm a khoản 3 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm.
2. Vì động cơ đê hèn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 150 và điểm g khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội để trả thù; phạm tội để trốn tránh trách nhiệm của bản thân; phạm tội đối với người mà mình mang ơn hoặc những hành vi phạm tội khác thể hiện sự bội bạc, phản trắc.
Ví dụ: Nguyễn Văn A mang Nguyễn Thị C (là người yêu của A) đi bán cho người khác sau khi biết C có thai với mình.
3. Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại điểm d khoản 2 Điều 150 và điểm đ khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa nạn nhân ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng được coi là đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu đã thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với nạn nhân.
4. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm e khoản 2 Điều 150 và điểm e khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Ngày 15-6-2018, Nguyễn Văn A có hành vi mua bán người. Ngày 20-7-2018, A lại có hành vi mua bán người và bị bắt giữ. Cả hai lần phạm tội trên, Nguyễn Văn A đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán người theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 150 của Bộ luật Hình sự.
5. Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 150 và điểm b khoản 3 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi làm nguồn sống chính.
6. Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 và điểm d khoản 3 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, sau đó đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bán Nguyễn Thị C cho Nguyễn Văn B. B đã lấy giác mạc của C.
Chương II. TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài
1. Người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác;
b) Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài để tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
2. Trường hợp người môi giới biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự.
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài
1. Người sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Biết người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) ra nước ngoài sẽ bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và chuyển giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) để chuyển giao cho phía nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
2. Người sử dụng thủ đoạn môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (như: sau khi nhận tiền của người lao động đã chiếm đoạt và bỏ trốn, không thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
3. Người tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài không nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc không vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép hoặc tội cưỡng ép người kháctrốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
1. Người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân (ví dụ: tim, buồng gan...), làm nạn nhân chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự.
2. Người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân nhưng không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, nếu gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân chết do bị nhiễm trùng hoặc tự sát thì tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản 3 Điều 150 của Bộ luật Hình sự.
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi
1. Người sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân đểnhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
2. Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
3. Người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội
Trường hợp trong quá trình thực hiện hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn thực hiện các hành vi phạm tội khác thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ví dụ: Nguyễn Văn A mua Nguyễn Thị C để bán. Trong quá trình đem C đi bán, A đã đánh C gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 30%. Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người và tội cố ý gây thương tích.
Có thể thấy, để đấu tranh phòng ngừa tội phạm mua bán người, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy định chế tài đối với loại tội phạm này. Các văn bản đó đã và đang tạo lập khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì ý thức cảnh giác, tự nâng cao nhận thức, hiểu biết của mỗi người dân là yếu tố hết sức quan trọng, giúp mỗi cá nhân tự phòng tránh và không để trở thành những nạn nhân của loại tội phạm nguy hiểm này.
Trước những hậu quả của hành vi mua bán người, Công an tỉnh Hưng Yên đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Hưng Yên xây dựng nhiều Chương trình, kế hoạch chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể...triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án II, Chương trình phòng, chống mua bán người (Gọi tắt là Chương trình130/CP) cũng như các chương trình, kế hoạch của Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an về phòng, chống mua bán người. Đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, Công an huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, như:
- Tăng cường công tác điều tra cơ bản, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về mua bán người. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tham gia đấu tranh tố giác tội phạm mua bán người, tiến hành thu thập thông tin về tội phạm mua bán người thông qua phương tiện thông tin đại chúng, đơn thư tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, quán cắt tóc gội đầu thư giãn, massage...để chủ động ngăn chặn tệ nạn xã hội mà tội phạm lợi dụng để bắt cóc, cưỡng ép phụ nữ bán dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em.
- Tiến hành kiểm tra, phát hiện các trung tâm trá hình về môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, xuất khẩu lao động, du lịch, thăm thân trái phép để lợi dụng lừa gạt phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán.
III. Phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Hiện nay phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt; chúng thường sử dụng một số phương thức thủ đoạn chủ yếu như sau:
- Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua mạng Internet, fackbook, zalo…) sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hoặc hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ. Bị hại trong các vụ việc này thường là những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hoặc những người từ tỉnh lẻ lên thành phố đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm cao. Các đối tượng không trực tiếp đi cùng, mà hướng dẫn nạn nhân di chuyển đến khu vực biên giới, và xuất cảnh trái phép sang nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) sau đó lừa bán vào động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.... Xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo hôn nhân, các đối tượng thỏa thuận, thống nhất với nạn nhân về việc sang Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp, để hưởng lợi, sau đó bỏ trốn, gây ảnh hưởng đến ANTT của hai nước (Có phụ nữ được bán sang Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp nhiều lần trong năm)
Điển hình: Ngày 13/5/2017, tại thành phố Móng Cái, Đồn Biên phòng Bắc Sơn phối hợp Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ hai đối tượng Bùi Thị Nga và Bùi Văn Chung đang đưa Nguyễn Thị H. là người cùng quê sang bán cho một người phụ nữ bên Trung Quốc với giá 20 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Bùi Thị Nga và Bùi Văn Chung đã khai nhận do quen biết từ trước, lợi dụng sự nhẹ dạ của chị H, hai đối tượng Chung và Nga đã dùng thủ đoạn hứa tìm cho chị H công việc nhẹ nhàng với mức lương khoảng 20 triệu/tháng và được về thăm nhà khi nào muốn, sau đó đã lừa bán chị H. sang Trung Quốc. Từ các vụ việc đã được các lực lượng chức năng điều tra, khám phá cho thấy: Để thực hiện được thủ đoạn này, các đối tượng phạm tội thường dựa vào mối quen biết từ trước với nạn nhân: có thể là họ hàng, bạn bè thậm chí là những người ruột thịt như vụ đối tượng Phạm Thị Thu Hằng (sinh năm 1986, trú tại Hạ Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) bằng thủ đoạn vờ xin việc làm để lừa bán 3 nạn nhân sang Trung Quốc trong đó có cả chị ruột của Hằng. Sau đó, các đối tượng tìm mọi cách để lấy lòng tin của nạn nhân, móc nối với một số đồng bọn để tạo một vỏ bọc là “người tử tế” để dẫn được nạn nhân đến địa điểm thực hiện hành vi mua bán. Thứ hai, làm quen với các nạn nhân, vờ yêu đương rồi đem bán. Để thực hiện thủ đoạn này, các đối tượng thường nhắm đến nạn nhân là phụ nữ, đặc biệt là các phụ nữ quá lứa, nhỡ thì hoặc cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan, thất vọng; các em nữ ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống... Trong hoàn cảnh đó, các đối tượng tìm cách tán tỉnh bằng những lời đường mật, luôn thể hiện sự ga lăng để lấy lòng tin của nạn nhân. Khi “con mồi” đã cắn câu, các đối tượng sẽ tạo ra các hoàn cảnh khác nhau như vờ đi thăm người thân, đi du lịch… để đưa nạn nhân sang bên kia biên giới để bán.
* Ngày 10/7/2017, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận từ phía Công an Trung Quốc đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Bùi Văn Lịch (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú: Thôn Phú Đa, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) về tội mua bán người theo Quyết định truy nã của Công an tỉnh Cao Bằng. Mặc dù đã có vợ con ở quê, song đối tượng Bùi Văn Lịch vẫn đi tìm các thiếu nữ trẻ để tán tỉnh yêu đương, sau đó tìm cách để bán họ sang Trung Quốc lấy tiền tiêu xài. Từ cuối năm 2010 đến 2012, với thủ đoạn vờ yêu rồi bán, đối tượng Lịch đã lừa bán được 7 phụ nữ ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cao Bằng. Ngày 27/2/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố hai đối tượng Cư Seo Quang (17 tuổi), Cư Seo Đồng (20 tuổi), cùng trú tại tỉnh Lào Cai, về hành vi mua bán người. Khai nhận với cơ quan Công an, Đồng và Quang cho biết, bằng thủ đoạn làm quen qua mạng xã hội facebook anh ta vờ yêu các nạn nhân rồi lừa bán sang bên kia biên giới kiếm tiền. Để thực hiện hành vi, các đối tượng làm quen cho đến khi tạo được lòng tin với các cô gái và rủ đi chơi tại các chợ giáp biên giới. Tại đây, Đồng và Quang đã ngấm ngầm “bắt tay” với các đối tượng buôn bán phụ nữ khác tại biên giới và bán các “người yêu” một cách dễ dàng. Sau khi nhận tiền xong, hai đối tượng lợi dụng lúc các cô gái ngắm đồ đã lẩn trốn để quay về tiếp tục thực hiện hành vi này với các nạn nhân khác. Cứ thế, nhiều thiếu nữ đã nhanh chóng bị Quang và Đồng lừa bán một cách dễ dàng. Có thể khẳng định phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhưng về mặt bản chất, đa số các vụ lừa nạn nhân nhằm mục đích mua bán đều nhằm vào hai điểm yếu “tình” hoặc “tiền” để đưa nạn nhân vào bẫy. Mặc dù các cấp, các ngành đã quyết liệt vào cuộc; công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp trên các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương vùng biên giới nhưng hiện nay số vụ mua bán người vẫn có xu hướng tăng.
- Các đối tượng thông qua mạng xã hội, giả danh là cán bộ Công an, Bộ đội Biên phòng gọi điện cho nạn nhân để làm quen, giả là yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó hẹn gặp nạn nhân và bán họ ra nước ngoài.
- Tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, có sự cấu kết giữa đối tượng người Trung Quốc với đối tượng người Việt Nam diễn biến phức tạp. Các đối tượng tìm đến phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số rồi dụ dỗ bán con sang nước ngoài hoặc đưa ra nước ngoài sinh con, sau đó bán cho người dân địa phương (phát hiện chủ yếu là sang Trung Quốc).
Đáng chú ý phát hiện việc mua bán bào thai (đưa phụ nữ có thai sang Trung Quốc sinh con rồi bán, điển hình như các vụ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), báo chí phản ánh về tình trạng bán thai nhi chủ yếu xảy ra với những người phụ nữ ở 3 xã Hữu Kiệm, Hữu Lập, Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Riêng xã Hữu Kiệm đã có 21 trường hợp vượt biên sang Trung Quốc bán thai nhi trở về, 1 trường hợp chưa về. Người phụ nữ bán thai nhi có thể tự bắt xe ra Móng Cái (Quảng Ninh), số còn lại thì có người “mai mối” “dẫn dắt”… vượt biên. Mỗi đứa trẻ được những người mẹ bán với giá trung bình 40 - 80 triệu đồng, trong đó bé gái có giá cao hơn bé trai. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp vượt biên bán con trở về nhưng không nhận được tiền từ kẻ buôn người hoặc chỉ được trả với cái giá rẻ mạt.
- Thời gian gần đây các đối tượng tìm kiếm và đưa phụ nữ Campuchia trung chuyển qua Việt Nam sang Trung Quốc đẻ thuê hoặc sinh con tại Việt Nam, sau đó đưa trẻ sơ sinh bán sang Trung Quốc.
- Xuất hiện tình trạng tuyển nam giới thanh niên để bóc lột sức lao động trên các tàu khai thác hải sản ngoài biển, số lao động này có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
- Tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp với người nước ngoài vẫn xảy ra nhiều, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán người xuyên quốc gia.
IV. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, làm rõ các hành vi mua bán người:
- Công tác chấp hành pháp luật trong nhân dân còn hạn chế, chưa sâu rộng. Phần lớn nạn nhân là người có đời sống, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, không nắm bắt được thông tin khi đi tìm việc làm hoặc lấy chồng nước ngoài nên dễ bị lừa gạt, không có kỹ năng tự bảo vệ mình.
- Công tác phát hiện, điều tra, khám phá tội phạm mua bán người gặp nhiều khó khăn, trở ngại do những nạn nhân bị mua bán hoặc nghi bị mua bán ra nước ngoài không có khả năng, điều kiện trở về địa phương. Đối với những nạn nhân trốn được trở về nước, trở về địa phương sinh sống còn có tư tưởng chần chừ, do dự, tâm lý e ngại và lo lắng, sợ sệt nên nhiều vụ nạn nhân và người thân không dám tố giác tội phạm, không khai báo, không hợp tác dẫn đến cản trở trong công tác thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ giải quyết về tội phạm mua bán người.
- Công tác trao đổi thông tin, đánh giá và phối hợp giữa các cơ quan liên quan về tình hình an ninh, trật tự, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, hành vi vi phạm pháp luật còn chưa kịp thời, chưa thường xuyên, nội dung thông tin trao đổi chưa sâu, tin có giá trị chưa nhiều.
- Thực tiễn xét xử cho thấy cho thấy điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện, điều tra. Mặt khác, thời gian bị hại về Việt Nam thường vài tháng đến vài năm do vậy chứng cứ vật chất, nhân chứng không xác định được, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Đối với những vụ án mua bán người có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân hoặc nạn nhân chưa tố giác thì việc phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hầu như không được thực hiện, đồng nghĩa với việc đối tượng phạm tội không được xử lý. Đây là điều bất cập rất lớn, dẫn đến án kéo dài, án đình chỉ và làm cho người dân, dư luận hoài nghi có tiêu cực.
Có những vụ án khi nạn nhân bị lừa đưa sang đến bên kia biên giới, bị ép làm gái bán dâm hoặc làm vợ người khác thì mới biết mình bị lừa bán. Do ngôn ngữ bất đồng, không biết địa chỉ nên công tác giải cứu cũng như quá trình thu thập tài liệu rất khó khăn.
Việc xác định thiệt hại, giá trị vụ lợi là rất khó khăn trong thực tiễn, bởi việc mua bán được thỏa thuận thực hiện giữa người mua và người bán mà người bị hại có thể biết hoặc không thể biết được giá trị mua bán của bản thân mình dẫn đến việc không thể xác định được giá trị của vụ lợi; đặc biệt trong trường hợp người mua ở nước ngoài thì Cơ quan điều tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người phạm tội để xác định, việc chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội có giá trị chứng minh thấp và không khách quan.
V. Người dân cần làm gì để phòng, chống mua bán người:
Hiện nay tình trạng mua bán người ngày càng có chiều hướng phức tạp. Nhu cầu về việc làm, có thu nhập là một nhu cầu chính đáng của người lao động mà chúng ta chưa đáp ứng được đầy đủ. Do đó, nhiều người dân đã bất chấp vi phạm pháp luật để vượt biên, di cư trái phép ra nước ngoài và biến mình trở thành những nạn nhân của các đối tượng mua bán người, bị cưỡng bức lao động... Nhiều đối tượng mua bán người đã đánh vào lòng tham của con người. Bên cạnh đó, một số người có tâm lý không muốn làm nhưng muốn hưởng thụ nên đã trở thành những nạn nhân của mua bán người từ lúc nào không hay; tình trạng kết hôn giả, mua bán trẻ em ngày càng trở nên báo động…
- Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.
- Để công tác phòng chống tội phạm mua bán người thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, mọi người dân cần phải nhận thức, hiểu rõ được tội phạm mua bán người như thế nào, phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm, hậu quả nguy hại của mua bán người đối với xã hội và chính bản thân mỗi người nếu trở thành nạn nhân của hành vi phạm tội này, do vậy khi thấy có hành vi nghi là mua bán người cần báo ngay cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh.
- Nắm rõ, thực hiện nghiêm túc chủ trưởng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người, kiên quyết đấu tranh với hành vi phạm tội này, không bao che hay giúp sức cho những đối tượng thực hiện hành vi mua bán người.
- Trong quá trình điều tra các vụ án về mua bán người thì mọi người liên quan cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, cung cấp đầy đủ, chi tiết các thông tin mà mình biết được để cơ quan công an làm rõ tội phạm và hành vi phạm tội, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây lợi dụng mạng xã hội để mua bán người xuyên quốc gia.
- Tại thôn xóm mình sinh sống nếu thấy những nạn nhân bị mua bán trốn được trở về địa phương sinh sống còn có tư tưởng chần chừ, do dự, tâm lý e ngại và lo lắng, sợ sệt thì cần phân tích, động viên để họ đến cơ quan công an tố giác tội phạm, khai báo, hợp tác để phục vụ công tác thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ giải quyết về tội phạm mua bán người.
- Tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.