“Tôi học cách cho đi không phải vì tôi đã có quá nhiều, mà vì tôi đã biết ý nghĩa và cảm giác của việc cho đi”
Đã 1 tuần trôi qua kể từ chuyến đi thiện nguyện cùng huyện đoàn Văn Giang thực hiện chương trình “Đông ấm cho em” tại xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đến bây giờ hồi tưởng lại những gì đã trải qua trong chuyến đi tôi vẫn cảm thấy những cảm xúc buồn, vui trọn vẹn. Đó thật sự là 1 ngày cuối tuần ý nghĩa và không thể nào quên!
Khởi hành từ hơn 4h sáng, 1 chiếc xe tải chở những món quà và 1 xe 30 chỗ chở 23 con người với trái tim ấm áp đại diện cho những con người huyện Văn Giang mong muốn được chia sẻ tấm lòng “Lá lành đùm lá rách” với những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao trong mùa Đông giá lạnh.
Ngày tình nguyện đầu tiên (8/1/2021), sau 7 tiếng đoàn tình nguyện đã đến xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu chúng tôi nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của các đồng chí cán bộ nơi đây, đó là sự nồng hậu đặc trưng của những con người ở vùng đất này mà trong suốt chuyến đi chúng tôi cũng đều nhận được. Ăn trưa và nghỉ ngơi xong chúng tôi tiếp tục di chuyển đến thôn Pá Khoang, xã Pha Mu (cách thị xã Mường Cang tầm 40 km). Đây là một trong những thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn khu vực II vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lai Châu.
14 giờ 30 phút chúng tôi đặt chân đến xã Tà Hừa, sau khi dỡ đồ xuống trong điều kiện thời tiết dưới 4 độ và mưa phùn, đoàn chúng tôi đã di chuyển hàng bằng xe máy còn cả đoàn đi bộ 17 km để vào bản Pá Khoang trên con đường đất đỏ, dốc cao và vực sâu vô cùng nguy hiểm.
Gần 02 tiếng đồng hồ cuối cùng chúng tôi đã xuống đến bản, ở đây có 40 hộ dân đều là dân tộc Mông và Thái. Đoàn tình nguyện đã trao quà mỗi hộ dân gồm 01 chăn, 01 màn, 01 chiếu, 01 xoong, 01 hộp mứt và 02 đôi dép. Đoàn đến và trao tặng quà cho các em học sinh điểm trường mầm non Pá Khoang với 27 học sinh gồm chăn lông, gối, chiếu, tất, dép, thảm xốp trải sàn, bánh kẹo và đồ chơi.
Điều làm tôi không khỏi xúc động đó là khi nhìn thấy các em học sinh mầm non có độ tuổi từ 3 tuổi đến 5 tuổi với bàn chân trần, tím tái vì lạnh, có em chỉ mặc 1 chiếc váy thổ cẩm xòe mỏng manh ngắn đến đầu gối không có quần dài mặc bên trong, có em thì chỉ mặc 1 chiếc áo thu đông hở cổ với 1 chiếc áo khoác đồng phục mỏng. Lòng tôi xót xa chỉ muốn ôm trọn bọn trẻ vào lòng thật chặt để ủ ấm cho chúng. Tôi lại gần và nở nụ cười chào các em, chúng nhìn tôi với ánh mắt ngây thơ, lạ lẫm không dám chào lại mặc dù biết chào cô bằng tiếng người Kinh. Tôi trò chuyện với các em và dạy các em hát bài “Sắp đến Tết rồi”, những chiếc miệng chúm chím xinh xinh bắt đầu cười và say sưa hát theo tôi bằng chất giọng hơi ngọng do phát âm tiếng Kinh chưa chuẩn. Lòng người như ấm lại trong tiếng hát, tiếng cười, ánh mắt tươi vui của trẻ thơ. Trong số 27 em chỉ có khoảng 10 em bán trú còn lại là các em sáng đi tối về. Có em nhà cách xa trường 3 km hàng ngày tự dắt tay nhau đi bộ đến trường trong khi mới 3, 4, 5 tuổi. Áo khoác của các em chỉ khi đến trường mới được mặc khi về sẽ để áo lại lớp ngày mai đến trường lại mặc tiếp, nếu mang về nhà sẽ bị mất và buổi sau đi học sẽ không có áo ấm để mặc. Tôi chợt nghĩ đến những đứa trẻ dưới xuôi cũng bằng tuổi đó các em được nâng niu trong vòng tay của bố mẹ, được ăn ngon, mặc ấm, được đưa đón tới trường hàng ngày; Tôi đã tự đặt câu hỏi? Tết này người dân ở bản đón tết ra sao? Bọn trẻ có quần áo mới không? Được ăn bánh kẹo, đi chơi tết và nhận quà lì xì không? Thật xót thương cho cuộc sống của bà con dân bản. Với họ được ăn no, mặc ấm đó là điều khá xa xỉ…
Đối với giáo dục vùng cao, chuyện vượt núi, rừng đến trường, đến lớp như là cơm bữa. Nhưng có tới 10 năm gắn bó với điểm trường vùng cao như cô Hoàng Thị Dung và 7 năm gắn bó như cô Cầm Thị Vượng có lẽ không nhiều người làm được. Đó là tên 2 cô giáo dạy ở điểm trường mầm non xã Pha Mu bản Pá Khoang mà tôi được trò chuyện trong buổi gặp gỡ hôm đó. Với nụ cười rạng rỡ và thân thiện đón chúng tôi, cô Dung cho biết cô quê gốc ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Sau khi ra trường đã lên trên này dạy được 10 năm rồi, gia đình cô ở huyện Than Uyên (cách trường hơn 40km). Vì đường xa, đèo dốc đi lại khó khăn nên cô phải ở lại đến cuối tuần mới được về với gia đình. Do quanh khu vực đều là núi đá vôi, điểm trường luôn thiếu nước, mọi sinh hoạt của giáo viên và học sinh đều rất khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh phải băng rừng đi học, trong khi cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Suốt những năm trong nghề, cô Dung không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, bản để tuyên truyền, vận động học sinh đi học, không được bỏ học giữa chừng. Rồi không ít những câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo, kiên trì tới lớp, mùa Đông giá rét, chỉ mặc chiếc áo mỏng. “Dù dạy học trong điều kiện khó khăn, vất vả nhưng sự hồn nhiên, vô tư của các em học sinh và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào dân tộc đã luôn sưởi ấm tình yêu nghề của giáo viên” – cô Dung chia sẻ. Bản thân cũng là giáo viên, tôi thấu hiểu nỗi lòng của nghề giáo, tôi thấy thật ngưỡng mộ và khâm phục ý chí, trách nhiệm và tận tụy đối với nghề của các cô giáo nơi đây. Dù khó khăn là vậy song điều khiến tôi trăn trở nhất không phải là sự vất vả của bản thân mà đó chính là cuộc sống cơ cực của các em nhỏ nơi đây, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, mùa đông co ro dưới giá lạnh tê tái. Tôi ước mình có thể chia sẻ được nhiều hơn nữa để có thể giúp các em no đủ hơn, ấm áp hơn, yên tâm học tập và vui chơi hồn nhiên như các em bé cùng trang lứa …
Hơn 1 giờ đồng hồ đoàn chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện và trao tặng quà đến bà con dân bản. Sau đó lại tiếp tục chuyến hành trình di chuyển về xã Pha Mu, nghỉ ngơi chuẩn bị cho chương trình ngày mai trao tặng quà cho bà con tại điểm trường liên cấp xã Pha Mu.
Ngày tình nguyện thứ 2, thời tiết càng lạnh hơn và mưa phùn. Nhiệt độ buổi sáng là 2 độ. Đoàn tình nguyện chúng tôi tổ chức trao quà cho các em tại một lớp học của trường Tiểu học & THCS xã Pha Mu, đoàn tình nguyện đã trao tặng 01 công trình cổng khu vui chơi và 100kg gạo đến trường mầm non trung tâm xã Pha Mu và 23 xuất quà cho các hộ nghèo xã Pha Mu. Tổng quà trao tặng đến học sinh và đồng bào nghèo xã Pha Mu gồm: 100 chiếc chăn, 40 chiếc màn, 40 chiếc xoong gang, 330kg gạo, gần 2.000 quyển vở, hơn 500 chiếc bút, 01 bộ trống Đội, 73 hộp mứt, 1.300 đôi dép, gần 400 đôi tất và nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập khác trị giá trên 100 triệu đồng.
Sau khi trao và tặng quà xong, tôi và một cô giáo trong đoàn dạy nhảy flashmod đồng diễn tập thể cho các em. Vì điều kiện thời tiết mưa phùn nên chúng tôi phải dạy trong khuôn khổ một lớp học.
Dạy xong chúng tôi chia tay với các em và các thầy cô trong trường ra xe ô tô cùng đoàn tình nguyện di chuyển về Huyện Than Uyên. Trên đường về chúng tôi đã ghé thăm công trình thủy điện Bản Chát - là công trình được xây dựng trên địa phận xã Mường Kim, huyện Than uyên, tỉnh Lai Châu, đây là một trong hai công trình trong bậc thang thủy điện trên dòng sông Nậm Mu. Với công suất thiết kế 220MW, hàng năm Nhà máy thủy điện Bản Chát sẽ cung cấp 1.158,1 x 106 KW/h điện cho hệ thống lưới điện Quốc gia. Với dung tích hồ chứa 1,702 tỷ m3, Công trình thủy điện Bản Chát còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho hệ thống sông Đà và hạ lưu sông Hồng, tham gia cắt lũ để bảo vệ cho các công trình ở phía hạ lưu.
Đến 15h chiều cùng ngày, chúng tôi được các đồng chí cán bộ nơi đây đưa đi thăm quan các địa chỉ đỏ như di tích lịch sử cách mạng bản Lướt (xã Mường Kim). Tại đây đoàn tình nguyện huyện Văn Giang đã dâng hương Bác Hồ tại nhà văn hóa bản Lướt – Chi bộ đầu tiên của tỉnh Lai Châu.
Kết thúc ngày tình nguyện thứ 2 là bữa cơm mang đậm bản sắc dân tộc tỉnh Lai Châu với sự đón tiếp ân cần, chu đáo, thân thiện của các đồng chí cán bộ huyện Than Uyên. Sau đó chúng tôi đi bộ và tắm mình trong ánh đèn về đêm của đường phố nơi đây. Chúng tôi được đi tham quan một số công trình thanh niên của huyện Đoàn Than Uyên: Chương trình “Rửa xe 0 đồng, tiền công quyên góp” gây quỹ tổ chức Tết cho trẻ em nghèo 2021; Phố đi bộ đường thanh niên với hàng nghìn chiếc chong chóng sắc màu quay tít trong gió…
Ngày thứ 3, chúng tôi chia tay và ra về mà lòng xao xuyến khó tả, … Đó là chuyến đi ý nghĩa và đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên. Sau những niềm vui mà người nhận có được, những chuyến đi thiện nguyện còn mang đến cho người tham gia nhiều giá trị, đó không chỉ là những trải nghiệm khi đặt chân đến những vùng đất mới mà nó còn giúp chúng ta cảm nhận được chân thực nhất cuộc sống xung quanh. Để ta cảm thấy yêu đời và lạc quan hơn, cũng để tâm hồn ta biết đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn. Tôi hy vọng còn có thể đồng hành cùng các cô, chú, anh, chị, em trong đoàn tình nguyện nhiều chuyến đi ý nghĩa như vậy nữa.