Bài tuyên truyền: KĨ NĂNG BẢO VỆ BẢN THÂN

Bài tuyên truyền: KĨ NĂNG BẢO VỆ BẢN THÂN

 

1. Kỹ năng an toàn khi tự chơi:

          Trong quá trình chơi đùa các em dễ gặp phải các tình huống như ngã, chảy máu, làm đổ vỡ các vật dụng trong gia đình. Cần tự xử lí các tình huống khi không có người lớn hoặc ai giúp đỡ mình. Khi bị thương cần lấy oxy già rửa vết thương để tránh nhiễm trùng, sau đó bôi thuốc và dùng băng gạc. Cần tránh xa những vật dụng nguy hiểm như dao kéo, bếp ga, phích nước, ổ cắm, dây điện bởi những vật này tiềm ẩn nguy hiểm nếu các em không cẩn thận.

2. Kĩ năng tìm lối thoát hiểm:

          Nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra đe dọa đến sự nguy hiểm của các em như cháy nổ, chập điện… Các em phải biết một số kĩ năng để có thể thoát hiểm, rời khu vực nguy hiểm để tìm đến khu vực an toàn một cách nhanh nhất. Đồng thời trong những cuộc đi chơi đến các trung tâm giải trí, đi xem phim hay đến nhà hàng, siêu thị… chúng ta phải biết quan sát nhanh chóng lối thoát hiểm ở đâu để đề phòng khi có tình huống nguy hiểm xảy ra biết xác định phương hướng lối ra. Ngoài ra, các cũng cần phải thật bình tĩnh trước những sự cố đó, cần phải xếp hàng thoát hiểm lần lượt chứ không nên chen lấn xô đẩy vì như vậy sẽ khiến cơ thể bị tổn thương.

3. Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể:

          Vấn đề ấu dâm, xâm hại cơ thể trẻ em đang rất nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện nay. Các đối tượng xấu dựa trên sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của trẻ mà có những hành vi xấu, ảnh hưởng lớn đến thể chất và tinh thần của các em. Để giúp các em có thể bảo vệ bản thân thì chúng ta cần trang bị cho mình một số kĩ năng phòng tránh xâm hại cơ thể. Muốn làm được điều này đòi hỏi các em phải luôn chia sẻ, và nói chuyện với bố mẹ, thầy cô hoặc bạn bè. Không được nói dối và dấu diếm khi bị đe dọa. Tuyệt đối không cho người khác động chạm đến những vùng kín của mình, nếu có chuyện gì thì luôn thông báo để cha mẹ được biết và tìm cách giải quyết. Cần biết từ chối, nói “Không” với những người lạ, người không quyen biết.

4. Kỹ năng ứng xử khi bị lạc:

          Rất nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra, ví dụ như các em đang đi chơi công viên, khu trung tâm giải trí, khu công cộng mà bị lạc khỏi cha mẹ hoặc người thân thì rất nguy hiểm. Để có thể giảm thiểu nguy cơ này, các em nên biết một số thông tin cơ bản và quan trọng như: số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà riêng, tên trường và địa chỉ trường học. Có như vậy nếu không may bị lạc, các em vẫn có thể liên hệ được với gia đình một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất. Trong nhiều trường hợp, lúc lạc đường rơi vào trạng thái hoảng loạn không nhớ được gì thì gđ cần cẩn thận viết các thông tin cơ bản lên một tờ giấy và luôn đặt trong cặp sách hay túi đồ của mình.

5. Kỹ năng tham gia giao thông:

          Hàng ngày được bố, mẹ chở đi học, khi đó trong quá trình di chuyển, các em nên biết 1 số biển báo trên đường và hiểu biển báo đó mang ý nghĩa gì. Ví dụ như biển báo hình tròn màu đỏ, ở giữa có gạch ngang màu trắng là biển cấm đi ngược chiều, và học cách qua đường sao cho an toàn: Khi sang đường phải quan sát kĩ không có xe đi tới mới được sang, luôn đi sát về phía tay phải của mình. Không được dàn hàng ngang lấn chiếm hết phần đường đi. Khi tham gia giao thông phải tôn trọng luật giao thông đường bộ, có trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người tham gia giao thông trên đường.

TTVG ngày 05 tháng 11 năm 2019

                                                                                      Tổng phụ trách

                                                                                      Đỗ Thị Loan