Là một tỉnh có bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng, ngay từ cuối năm 1928, Hưng Yên đã có tổ chức cộng sản đầu tiên, đó là Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Sài Thị (xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu). Được ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường và sự che chở của nhân dân, dù trải qua bao hy sinh mất mát sau các cuộc khủng bố, đàn áp của thực dân Pháp và tay sai, phong trào cách mạng ở Hưng Yên vẫn không ngừng lớn mạnh. Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới, đầu tháng 7/1941, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ, tỉnh đã mở Hội nghị các chi bộ Đảng ở Ninh Thôn (huyện Ân Thi). Tại Hội nghị, các đại biểu đã bàn bạc và thống nhất quyết định những vấn đề chính:
- Chuyển Mặt trận phản đế thành Mặt trận Việt Minh và gây dựng thêm cơ sở mới, chắp lại những mối cũ, mở rộng những cơ sở sẵn có.
- Vận động quần chúng đấu tranh (đặc biệt ủng hộ phong trào du kích Bắc Sơn).
- Tích cực chống khủng bố của địch, lúc này địch tập trung khủng bố một số cơ sở ở huyện Kim Động như Tạ Xá Thượng, Phán Thuỷ; địch bắt đồng chí Nguyễn Văn Trạch (tức Hồng Quảng) và một số hội viên phản đế.
- Hội nghị cử Ban Chấp hành lâm thời gồm 5 đồng chí: Liệu, Vũ, Biểu, Thọ, Ái. Đồng chí Liệu (Nguyễn Thanh Liệu) được cử làm Bí thư.
Hội nghị thống nhất các lực lượng trong tỉnh ở Ninh Thôn có ý nghĩa lịch sử cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước phát triển cao của phong trào phản đế ở địa phương, là kết quả của sự bền bỉ vận động quần chúng, chủ yếu là quần chúng nông dân, qua các bước thăng trầm của cách mạng hàng chục năm. Đó là mốc đánh dấu việc chính thức thành lập Đảng bộ của tỉnh Hưng Yên, là bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng của tỉnh Hưng Yên.
Từ khi Đảng bộ được thành lập, phong trào cách mạng ở Hưng Yên phát triển rõ rệt, lập được nhiều chiến công, góp phần làm lung lay chính quyền thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai. Trong đó, có trận đánh chiếm đồn Bần, được Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp biểu dương “là trận đánh kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ”.
Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Bác Hồ, chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 14/8 đến ngày 22/8/1945, Đảng bộ non trẻ đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh giành được chính quyền. Ngày 23/8/1945, chính quyền cách mạng nhân dân của tỉnh được thành lập. Trước khó khăn chồng chất thời kỳ đầu, với ý chí và bản lĩnh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã vượt lên chiến thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và giành nhiều thắng lợi quan trọng khác.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với 2 kỳ đại hội và nhiều hội nghị quan trọng, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng vào thực tiễn địa phương, tập hợp các lực lượng thành một mặt trận thống nhất, phát động toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang ngày một lớn mạnh và đã giành được những thắng lợi vẻ vang, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”, nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương và các danh hiệu cao quý...
Trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiều phong trào để vừa sản xuất, vừa chiến đấu nhằm xây dựng và bảo vệ quê hương. Phong trào “Tứ hóa” (thủy lợi hóa, hợp tác hóa, bổ túc văn hóa, quân sự hóa) của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã làm nên những kỳ tích, thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh. Bên cạnh việc tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, tỉnh Hưng Yên cũng chú trọng vào việc đào đắp, nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng. Nhiều năm liền, Hưng Yên là đơn vị dẫn đầu phong trào làm thủy lợi toàn miền Bắc, được nhận cờ luân lưu “Làm thủy lợi khá nhất”. Ngay từ năm 1961, Hưng Yên là tỉnh đi đầu và là chiếc nôi của phong trào xây dựng văn hóa của cả nước.
Năm 1968, Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Ngay từ khi thành lập, Đảng bộ Hải Hưng đã xác định nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn mới là đoàn kết toàn dân, toàn quân, phát huy thuận lợi của việc hợp nhất tỉnh, động viên mọi lực lượng kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, tích cực chi viện cho miền Nam và làm tốt nghĩa vụ quốc tế.
Thi đua với tiền tuyến lớn anh hùng, quân và dân tỉnh nhà đã lập được nhiều thành tích to lớn trong kháng chiến chống Mỹ, bắn rơi 9 máy bay Mỹ. Nhiều người con của tỉnh đã chiến đấu lập công xuất sắc tại các chiến trường. Với những thành tích đó, tỉnh nhà đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 2 cờ thưởng luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cùng nhiều huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 02/9/1978, quân, dân Hải Hưng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau giai đoạn hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên tái lập. Từ khi tái lập, sau gần 25 năm, Đảng bộ Hưng Yên đã đưa tỉnh nhà đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác quy hoạch được Đảng bộ tỉnh quan tâm đi trước một bước, từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tới quy hoạch chi tiết phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và đô thị, quy hoạch khu, cụm công nghiệp, quy hoạch các công trình phúc lợi… Toàn tỉnh quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, tạo điều kiện về cơ chế, đồng thời thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, tập trung khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống; dồn điền đổi thửa, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa; phát triển du lịch tâm linh từ thế mạnh của vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội. Quan tâm thu hút nhân tài, không ngừng đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những chủ trương, định hướng này được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án của Tỉnh ủy qua từng nhiệm kỳ đại hội. Với những quyết sách đúng đắn của Đảng bộ, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng nhiều Huân chương Lao động, danh hiệu cao quý khác cho các tập thể, cá nhân.
Nhìn lại 80 năm thành lập và phát triển của Đảng bộ tỉnh, chúng ta thêm tự hào về truyền thống vẻ vang mà các lớp tiền nhân đã dày công vun đắp, để từ đó, có thêm sức mạnh tiếp tục con đường của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa cho dân tộc, phấn đấu để Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững./.
Phạm Minh Hoàng